Lịch sử hình thành đạo gia – khí công

đạo sĩ

Nguồn gốc khí công của các phái đạo gia khí công

Trước thời Đông Hán bộ môn khí công được chia làm hai loại và phương pháp luyện tập hầu như chưa nhuốm màu sắc tôn giáo như vào những thời đại sau này. Một loại được các môn đồ của Lão giáo và Khổng giáo thường xuyên luyện tập nhằm mục đích dưỡng sinh, bảo tồn sức khỏe.

Sau này khi Phật giáo được du nhập vào Trung Quốc, một số những kỹ thuật khí công từng được luyện tập bên Ấn Ðộ cũng bắt đầu được lưu truyền tại Trung Quốc. Phật giáo trở thành một tôn giáo chính, nhờ thế nên các chư tăng đã có cơ hội học hỏi một số phương pháp luyện tâm, định thần. Tuy nhiên vì trở ngại về giao thông và truyền thống nên họ đã không thu thập được toàn bộ các phương pháp nói trên.

Hơn nữa, trong khoảng gần năm thế kỷ Phật giáo được phổ biến ở Trung Quốc, chỉ có hai vị cao tăng của Phật giáo Ấn Ðộ được mời sang thuyết giảng về Phật học. Theo sử sách, vị thứ nhất là Pao Jaco (Mỹ-Lệ Phật) và vị thứ nhì là Bồ-đề-đạt-ma. Tình trạng này đưa đến hậu quả là các tăng ni Trung Quốc hoàn toàn học hỏi, nghiên cứu triết học, giáo lý Phật giáo qua kinh điển, chứ không được trực tiếp truyền thụ bởi những bậc thầy uyên thâm về kiến thức cũng như về kinh nghiệm tu tập. Nên từ đó những cách thức tu luyện của các giáo sĩ Phật giáo Trung Quốc đã hoàn toàn khác biệt với giáo sĩ Phật giáo Ấn Độ. Họ quan niệm rằng phần tâm linh là chính, xác thân là phụ, nên chỉ chú trọng vào việc tôi luyện tinh thần, mà sao lãng phần thể xác. Thêm vào đó, vì chế độ dinh dưỡng thiếu quân bình nên đa số các sư sãi Trung Quốc thời bấy giờ nếu không bệnh hoạn thì cũng yếu kém về thể lực. Tình trạng bi đát này tiếp tục kéo dài mãi cho đến khi Ðạt Ma đặt chân lên đất Trung-hoa vào năm 527 dưới triều nhà Lương.

Bồ Đề Ðạt Ma ra đời vào khoảng năm 483, ông nguyên là hoàng tử của một tiểu quốc thuộc miền nam Ấn Ðộ, sau thoát tục trở thành tăng sĩ thuộc hệ phái Mahayana, thường được xem là một vị Bồ Tát chuyên cứu độ chúng sanh. Theo sự thỉnh cầu của Lương Vũ Đế năm 527, ông đến Trung Hoa để thuyết pháp. Về sau khi thấy nhà vua và triều đình không đồng ý với những tư tưởng ông truyền bá, ông đã lui về ẩn thân ở Thiếu Lâm tự. Tại đây, nhận thấy đa số chư tăng đều ốm yếu và bệnh hoạn, ông đã trao tặng họ hai bộ Dịch Cân kinh và Tẩy Tủy kinh, là những phương pháp tu luyện khả dĩ giúp họ thăng tiến trên đường tu tập.

Dịch Cân kinh hướng dẫn các sư tăng làm cách nào để gia tăng thể lực, thay đổi bản chất từ yếu đuối suy nhược đến chỗ tráng kiện. Phương pháp này đã giúp họ sau một thời gian luyện tập không những sức khỏe được hồi phục, còn tăng cường thể lực. Hơn nữa khi phối hợp những kỹ thuật của Dịch-Cân kinh với võ thuật, những chiêu thức cũ bỗng trở nên vô cùng dũng mãnh và lợi hại.

Tẩy Tủy công là một phương pháp “rửa” sạch chất tủy, gia tăng số lượng hồng huyết cầu, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đồng thời trì hoãn lại sự già nua của các tế bào, nhưng quan trọng nhất là những ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, giúp họ trong việc an định tinh thần, là phần tối quan trọng trong tiến trình tu tập để đạt đến sự giác ngộ. Vì những môn công phu này rất cao về phần lý thuyết và khó luyện tập, nên mỗi thế hệ sư tăng chỉ có một số ít cao đồ được bí mật truyền dạy và thành đạt.

Cũng vào thời gian này, một tôn giáo khác được khai sinh lấy danh xưng là Ðạo giáo. Người khai sáng ra tôn giáo này là đạo sĩ Trương Đạo Lăng. Ông học được phép trường sinh bất lão, vào đất Thục ngụ ở núi Hạc Minh soạn ra bộ Ðạo thư gồm 24 chương và chuyên làm bùa để trị bệnh. Ông đã kết hợp nền triết học cổ truyền của Lão giáo với giáo lý Phật giáo như những thuyết về kiếp số, những luật khai độ để lập thành Ðạo giáo.

Chúng ta cũng đừng quên rằng: trước khi Ðạo-giáo ra đời, các đạo sĩ Lão giáo đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ về trước, vì thế phương thuật thiền định khí công của họ đã đạt đến trình độ thượng thừa, nên dù sau này khi Phật-giáo đã được dung hòa với Ðạo giáo, chỉ có một số ít những phương pháp tập luyện được biến cải. Còn về mặt thể lực, vì đồng quan điểm với Phật-gia, nên Ðạo-gia cũng không mấy quan tâm và chú trọng.

Vào giai đoạn này, sự liên hệ giữa hai giáo phái trở nên rất mật thiết, nên sau khi Bồ-đề-đạt-ma qua đời, Ðạo gia dần dà cũng nắm được những bí kiếp luyện khí công của Phật gia. Chỉ vài trăm năm sau, môn Dịch-Cân Kinh hầu như đã được truyền bá rất rộng rãi trong giới Ðạo-gia. Ðến đời nhà Tống (960), Thái Cực quyền, một môn nội đan khí công chú trọng đến việc luyện khí được sáng tác bởi Ðạo-sĩ Trương-Tam-Phong trên núi Võ Ðang, đã biến địa danh này trở thành trung tâm điểm của Ðạo-giáo và phái Nội-Ðan khí công. Trong khi đó Thiếu-Lâm tự thường được coi là nơi có nhiều thẩm quyền hơn về môn Ngoại-Ðan khí công.

Riêng về môn Tẩy-Tủy công tưởng đã bị thất truyền, cơ may xảy ra dưới thời nhà Thanh (1644-1912) khi cả Phật-gia lẫn Ðạo-gia đều góp phần vào công cuộc lật đổ triều đại này. Ðể đàn áp và trả thù, rất nhiều đạo sĩ, tăng sĩ đã bị bắt bớ, tù đầy, giam cầm, khủng bố và sát hại; số lượng chùa chiền, đạo quán bị quan quân nhà Thanh đốt phá cũng không ít (điển hình là trường hợp chùa Thiếu Lâm, núi La Phù). Một số đạo sĩ, cao tăng may mắn đào thoát được, và để tiếp tục kháng chiến họ bắt đầu truyền dạy những tuyệt kỹ của môn Dịch-Cân kinh và Tẩy-Tủy công cho dân gian. Nhờ vậy cả hai bí kiếp này vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay.

Ðạo Gia Khí Công

Cùng quan niệm như Phật-gia, Ðạo-gia tin rằng căn nguyên của những phiền não thế tục là do thất tình, lục dục mang đến. Muốn chế ngự được những cảm xúc này chúng ta phải tu tập và tôi luyện để thần khí đạt đến được trạng thái an định, độc lập. Từ đó không những giác ngộ, trường sinh bất lão còn có thể làm chủ được định mệnh của mình sau khi lìa thế. Tiến trình luyện tập của Ðạo-gia được chia làm 3 giai đoạn như sau:

Luyện tinh hóa khí
Giai đoạn này liên quan đến việc gia tăng và kết tụ nguyên tinh (original essence). Sau đó chuyển hóa tinh thành khí bằng những phương pháp thiền định hay những kỹ thuật nội công theo đúng một chu kỳ là 100 ngày.

Luyện khí hóa thần
Sau một thời gian luyện tập, khó được luân chuyển theo đại chu thiên hay chính là pháp giới hậu thiên. Qua giai đoạn này đã đủ nằm ngoài tam giới không thuộc luân hồi.

Luyện thần hoàn hư
Giai đoạn tu luyện đưa thần trở về với hư không (vô-cực).

Dịch-Cân kinh và Tẩy-Tủy công cũng được Ðạo-gia coi là những phương pháp giúp chống lại sự già nua, kéo dài tuổi thọ. Trong khi Dịch-Cân kinh tôi luyện phần thân xác, thì Tẩy-Tủy công giúp khí lưu chuyển trong tủy sống, giúp tủy sạch sẽ tươi nhuận. Tủy sống là nơi sản xuất phần lớn số lượng hồng huyết cầu và bạch huyết cầu. Chúng có nhiệm vụ mang những dưỡng chất cần thiết cho việc nuôi dưỡng các tế bào cùng các cơ quan trong cơ thể của chúng ta, đồng thời tẩy trừ, thanh lọc các chất cặn bã và độc tố. Khi hồng huyết cầu tươi tốt hoạt động bình thường, cơ thể chúng ta khỏe mạnh hữu hiệu trong việc chống lại bệnh tật, đình trệ sự già nua. Vì thế đối với Ðạo-gia trên 100 tuổi vẫn chưa được coi là thọ. Tục truyền Lão tử thọ đến 250 tuổi.
Nhằm mục đích tôi luyện Thân, Tâm. Ðạo-gia đề ra 3 đường lối để luyện tập.

Kim Ðơn Ðại Ðạo: Ðường lối này hướng dẫn cách luyện tập tự bản thân vì cho rằng chúng ta có thể đạt được sự trường sinh bất lão hay giác ngộ tự bản thể của mỗi cá nhân.
Tính Mệnh Song Tu: Cũng chính là phép tu chủ yếu của đạo gia, bao gồm kim đơn như trên và 4 đại phái khác là thái cực, phù lục, kiếm tiên và huyền chân. Mục đích đều là hoàn đến vô cực dù trời đất có hư hoại vẫn không bị ảnh hưởng, có thể tái lập thiên địa, pháp lực vô biên. Các công phu này vẫn là cực bí mật ít người biết.
Ðạo Ngoại Dược Giáo: Cách này chuyên dùng dược liệu để vận hành và kiểm soát khí lực trong khi luyện tập. Những vị như sâm, nhung thường được sử dụng để bào chế phương dược. Theo một số đông Ðạo-sĩ, dược liệu cũng có nghĩa là khí. Có thể trao đổi hoặc tiếp nhận do đó họ chủ trương lối sống khoáng dật.
Qua những cách thức luyện tập kể trên, sau đời nhà Tống (960-1367) Ðạo-gia lại chia làm hai phái rõ rệt:
Chính Diêu Phái
Phái này cực lực lên án việc luyện khí công với đối tượng cùng giới hoặc khác giới tính là trái với luân thường, đạo lý. Họ chủ trương như Phật-gia : phương thức dẫn dắt đến sự giác ngộ là tôi luyện chính bản thân mình. Nếu tập luyện với người khác bất kể giới tính nào, cũng sẽ làm tâm trí mất đi nét thanh tịnh gây trở ngại cho việc tu tập.

Thái Dược Phái
Phái này chủ trương tu luyện cho thân xác khỏe mạnh và trường thọ để tiêu dao trên cõi trần hoàn chứ không đặt nặng phần tâm linh, nên họ lý luận rằng: nếu kết hợp cả 3 đường lối kể trên, không những đạt được kết quả mau chóng, còn rất thực tế và hữu dụng. Phái này còn được mệnh danh là phái “Thần Tiên Ðan Ðỉnh”.

Đạo giáo tại Trung Quốc

Đạo giáo là tôn giáo sinh trưởng tại địa phương Trung Quốc, bắt đầu từ thế kỷ thứ 6 TCN, đến nay đã có hơn 2500 năm lịch sử. Đạo giáo kế thừa sự sùng bái thiên nhiên và sùng bái tổ tiên của thời cổ Trung Quốc, trong lịch sử có rất nhiều giáo phái, sau này dần dần diễn biến thành hai giáo phái lớn Toàn Chân Đạo và Chính Nhất Đạo, có ảnh hưởng nhất định trong dân tộc Hán. Do Đạo giáo không có nghi thức và quy định nhập giáo nghiêm khắc, số người theo đạo rất khó thống kê. Trung Quốc hiện có hơn 1500 ngôi Đạo quán, hơn 25 nghìn đạo sĩ nam, nữ, với khoảng 360 triệu tín đồ.

Không chỉ là một tôn giáo, dạy con người trở về với gốc Đạo, huyền đồng cùng vũ trụ, Đạo giáo còn đóng góp rất nhiều cho nền văn minh Trung Quốc. Rất nhiều sinh hoạt độc đáo của người Trung Quốc đã lan truyền khắp thế giới có nguồn gốc xuất phát từ Đạo giáo như:

– Khuynh hướng hội họa của dòng tranh “Thủy mặc” hay “tranh sơn thủy” thể hiện sự cân bằng tuyệt hảo giữa Âm – Dương.

– Thuật Phong thủy chỉ rõ cách chọn hướng, cách thiết kế môi trường xây dựng theo một hệ thống phối hợp các yếu tố quan trọng của không gian và thời gian nhằm mang lại sự hài hòa tối đa trong mọi tương tác giữa con người và thiên nhiên.

– Võ thuật với nguyên tắc “mềm như nước” nhưng hết sức hiệu quả, giúp cho con người giải tỏa những tắt nghẽn sinh lực, đưa thân thể trở về trạng thái cân bằng, vừa hài hòa thể lý lẫn tinh thần mà ngày nay rất phổ biến. Đó là môn Thái Cực Quyền.

– Về y học, phương pháp châm cứu và bấm huyệt được xem là cách trị bệnh rất hiệu quả.

– Về tư tưởng, Đạo giáo đã chủ trương bất tử, tức là quan niệm lúc chết, sự sống con người được thay đổi chứ không bị mất đi, cho nên con người có một thái độ tích cực đối với thân phận chính mình.

Nguồn: sưu tầm

3.3 4 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Minh Khanh
4 năm trước

đọc hay quá

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x