Đạo của nước – sức mạnh của cái nhu và sự vô vi

đạo của nước

Nước xuất hiện quanh ta như phần tất yếu, là nguồn sống không thể thiếu. Từ xưa đến nay các bậc trí giả đều coi trọng phẩm chất của nước, mềm mại, nhu hoà nhưng tinh tế, biến hoá linh động nhưng bao dung hết thảy.

Con đường của nước

Nước rất linh động, có thể thích ứng với mọi hình thức của vật chứa, nhưng cũng rất ổn định. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, nước vẫn là nước, không thể đánh mất đi bản chất của nó. Gặp lạnh thì đông cứng, gặp nóng thì bốc hơi, nước vẫn là nước, không hề thay đổi tính chất hóa học của nó. 

Đạo cũng thế, hòa hợp muôn vật mà không dừng lại ở một hình thái cố định nào, lưu chuyển biến hóa không ngừng mà đức của nó chẳng hề suy suyển. Kẻ tìm kiếm Đạo sống trong đời, cách ứng xử của họ linh động và biến hóa như nước vậy, tri mệnh an thời, ứng cơ lợi vật mà chẳng hề mê mờ thiên tính. 

Đại Đạo rộng lớn như mặt nước không chỗ nào không chảy đến, vạn vật đều dựa vào nó để được ẩm ướt mà sinh trưởng, nó lại không chối từ trách nhiệm, đem mình kính dâng cho tự nhiên mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào. 

Nước dường như dịu mềm nhưng năng lực của nó vô cùng to lớn, vô số lòng sông, khe suối trên quả đất này là bằng chứng cho sức mạnh vĩ đại của nước. Lão Tử tán dương năng lực của nước như sau: “Vạn vật dưới trời, không gì mềm yếu hơn nước, mà xét sức công phá thì không gì có thể hơn nó được, không gì thay thế nó được. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh. Dưới trời không ai biết, không ai có thể làm được“. 

Xét theo lẽ đó, cái dụng của đức nhu thuận thật to lớn. Nhu thuận không chỉ là mềm yếu mà còn là kiên định, là tri thức minh triết xuất phát từ cuộc sống hòa hợp với Đạo. Bởi vì mềm mỏng đại biểu là thể hiện của sức mạnh sinh mệnh, trong sách “Bão phác tử” phần ngoại thiên của tác giả Cát Hồng đã nói “Kim dĩ cương chiết, thủy dĩ nhu toàn.” Có ý rằng kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm mại mà vẹn toàn. 

Nhân sinh của Nước

Biển vì bao dung mới chứa được trăm sông

Nước có khuynh hướng chảy dồn về chỗ thấp, tái lập thế quân bình, thể hiện đức huyền đồng của Đạo. Lão Tử viết: “Bậc thượng thiện giống như nước, nước hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chỗ mà người người đều ghét, nên gần với Đạo. Ôi, vì không tranh, nên không sao lầm lỗi”. (Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo… Phù duy bất tranh, cố vô vưu). 

Đặc tính của nước là chân thành giúp đỡ vạn vật mà không tranh giành danh lợi, không tranh giành cao thấp, cũng không tự cho mình là hiểu biết, lại không khoe khoang bản thân. Bởi vì không tranh giành với vạn vật nên nó không có oán hận âu lo. 

Lên trên làm mưa móc, xuống dưới làm sông lạch, nước tưới gội và thấm nhuần vạn vật, không thiên lệch cũng không cạnh tranh (nhu thuận). Bậc thánh nhân đắc Đạo giống như nước, khiêm hòa và lặng lẽ ứng cơ lợi vật, thành tựu đạo hạnh của mình. 

Hạ mình ở chỗ thấp là có thể cùng một chỗ với quảng đại quần chúng, hấp thụ càng nhiều dinh dưỡng đến để làm phong phú bản thân. Cổ nhân nói: “Thiện dụng nhân giả vi chi hạ”, tức là khéo dùng người là hạ mình ở dưới người.

Lão Tử nhận ra ưu điểm của nước là tính vô kỷ, vị tha, làm lợi cho tất cả. Nước lại còn có tính cách nén chịu, sự nén chịu của con đường Nhu: “Thọ quốc chi cấu”, nghĩa là nhận lấy cho mình bụi bặm của quốc gia. Đồng thời “Thọ quốc chi tường”, nhận lấy cho mình sự rủi ro của nước nhà. Đó cũng là tận cùng của vị tha, nhưng chính nhờ thế mới thực làm chủ được sơn hà, xã tắc.

Nói đến vị tha và đón nhận là nói đến đặc tính của nước ở mức tổng thể, tính bao la của nó. Đó là nước Trường Giang chảy miết không ngơi, dù cuốn theo bao nhiêu rác rưởi mà vẫn luôn thanh khiết. Đó là nước của đại dương, dù nuôi ngàn muôn tôm cá mà không bao giờ cạn kiệt. Do đó, đi vào đạo Nước thì Trí không dừng ở đồng dị tiểu tiết, Tâm không thu vào tiểu ngã hạn hẹp, cũng như Chí phải vượt lũy tre xanh. Tấm lòng phải rộng mênh mông để hòa nhập vào tất cả, tức “Vật ngã vi nhất”, đó là tính mở vô độ của nước vậy. 

Hãy học cách sống trong đời ung dung tự tại như nước chảy, linh động mà không biến chất, nhu thuận mà kiên định, khiêm hòa mà đức độ. Đó là cách sống hòa hợp với tự nhiên và rất gần với Đạo. 

Nhân sinh của nước

Một hồ nước lớn và sâu thì cảm ngộ sớm chính xác được sự biến động tiềm ẩn sẽ xảy ra với môi trường rộng quanh đó: động đất hay núi lửa, hoặc bão tố…. Hơn nữa khi Nước trong chuỗi và tầng sinh thái trong lòng hồ sẽ đa dạng, bền vững… từ thuỷ sinh nhỏ đến loài cá lớn…. trên bở là những cây cối và cảnh quan tuyệt đẹp ! Đó là ĐẠO CHẤP CHƯỚC VẠN SỰ.

Nước thẩm ngấm vào các tầng sâu đất để nuôi dưỡng âm thầm tỉ tỉ vi sinh kích thích muôn mầm sống ; rồi ( không chỉ là từ ‘thượng xuống hạ’ ) dự trữ cho sự sống đa dạng trên mặt đất bằng những ‘mạng lưới mạch ngầm’ bất kể nơi đó là cao nguyên cách mặt biển nhiều ngàn mét ! Đó là ĐẠO DUNG DƯỠNG SỰ SỐNG.

Nước chảy chỗ thấp, an phận, không tranh giành. Vì không tranh giành nên cũng không thất bại. Đồng thời, nước lại thân thiện với vạn vật, giúp vạn vật phồn vinh, cho nên được vạn vật yêu thích. Con người cũng vậy, cần khiêm tốn, nhường nhịn, khéo léo, hết sức giúp đỡ người khác, tránh việc tranh giành, đừng mang tâm lý thắng thua. Đó chính là “thượng thiện nhược thủy”.

Nguồn: Internet

Các đạo hữu nếu muốn tìm truyện hơi lạ lạ, quái quái để đọc giải trí.Hãy đọc thử bộ truyện:

Đảo Kiến

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x