Chiêm bốc thuật bát quái – kinh dịch

bói toán kinh dịch

Từ thờ xa xưa, con người thường dùng các hiện tượng quan sát được để giải thích cho quá khứ và tương lai. Từ những điều quan sát nguyên thủy đó dần dà được tích lũy, đúc kết lại tạo ra một loại tín ngưỡng là chiêm bốc – bói toán

Nguồn gốc của chiêm bốc thuật

Nguyên thủy của hình thức chiêm bốc là sự phát hiện ra bát quái của Phục Hy hoàng đế từ việc quan sát trời đất và tạo ra Tiên Thiên Bát Quái Đồ và Kinh Dịch. Sau đó đến thời nhà Chu thì lại được Chu Vũ Vương tạo ra Hậu Thiên Bát Quái Đồ, thuật chiêm bốc Á Đông cũng hầu hết dựa vào hai bộ Bát Quái này mà phát triển.

Các thuật chiêm bốc thường thấy:

Quy Bốc: là việc đốt mai rùa rồi quan sát các đường nứt nẻ, vết tích lưu lại từ đó dự đoán tốt xấu, cát hung. Có 3 phương pháp quan sát chính gồm: quan sát vị trí vết nứt, quan sát dạng vết nứt và quan sát hướng vết nứt.
Ngoài ra cũng có thể thay thế quy bốc bằng Dương cốt bốc (bói xương dê), Ngõa bốc (bói ngói) cũng tương tự.

Sủ bồ bốc (bói bằng con xúc xắc) theo truyền thuyết bắt đầu từ Lão Tử. Gieo quân xúc xắc là một trò chơi thời cổ xưa, triều Tấn rất thịnh hành. Phương pháp này cũng gần như gieo xúc xắc đời sau, nhưng việc xem thắng thua không phải là tính số điểm nhiều hay ít mà là xem màu sắc của nó, các màu được chọn gồm có màu đất thổ, màu lông trĩ, màu da bê và màu trắng

Trịch ngao (Ném vỏ ngao) là một phương pháp xem bói tương đối được lưu hành ở Trung Quốc thời xưa. Loại xem bói này được xuất hiện khi nào, đến nay vẫn không rõ. Vỏ ngao chính là ngày nay thường gọi là vỏ con trai. Nên ném vỏ ngao chính là ném vỏ trai, dựa vào việc vỏ trai nằm sấp hay nằm ngửa đế đoán tai hoạ.

Lãi bốc (bói vỏ sò) bắt đầu từ Tô Tần thời Chiến quốc. Tô Tần là người Lạc Dương, thời Chiến quốc nổi tiếng vì dùng chủ trương liên kết để chống Tần. Truyền thuyết kể rằng thời trẻ ông đã từng học nghệ với Quỷ Cốc tử, học thành nghiệp mới hạ sơn, trên đường đi bị thiếu ăn thiếu mặc, đói rét dày vò, vô cùng nhếch nhác. Khi đến đất Yên, ông đành phải dựa vào việc xem bói cát hung để kiếm tiền. Dụng cụ ông dùng để xem bói toán không còn là mai rùa và cỏ thi, mà là dùng vỏ sò hến. Phương pháp này so với bói xương rùa khác nhau không nhiều. Người đời sau gọi phương pháp chiêm bốc của Tô Tần là Lãi bốc.

Mộng chiêm: Một loại bói toán giải thích theo các điềm thấy khi nằm mộng. Cổ nhân và kể cả hiện nay cũng vẫn rất coi trọng việc Mộng chiêm này. Như “Xuân Quan” trong sách “Chu Lễ” viết: ”Bói mộng, cai quản năm tháng ngày giờ, quan sát sự hội hợp của trời đất, phân biệt khi của âm dương dùng mặt trời mặt trăng và các ngôi sao bói tốt, xấu của các loại mộng: một là mộng chính, hai là mộng dữ, ba là mộng nhớ, bốn là mộng thức, năm l mộng vui, sáu là mộng sợ”.

Tinh chiêm: Dựa trên sự vận động của các sao mà dự đoán, sự vận hành của các sao (như sự vận hành của sao chổi, sao Hỏa, chòm Nhị thập bát tú) và sự phân rã của các sao (như phân rã của các sao Chẩn, sao Dực, sao Ngưu, sao Nữ…). Trong sách vở cổ trước đời Tần có khá nhiều ghi chép về bói sao.
Hiện nay tinh chiêm đã được phát triển lý luận rất sâu dày và cấu thành nên bộ môn gồm cả sự quan sát của các nhà khoa học là Chiêm Tinh học.
Tiền bốc (bói bằng đồng tiền) được bắt đầu từ nhà “Dịch” thuật nổi tiếng thời Tây Hán là Kinh Phòng. Cao sĩ Nghiêm Quân Bình Thời Tây Hán đã sống ẩn ở Thành Đô, Tây Thục bằng nghề xem bói.

Kinh Dịch và các thuật chiêm bốc liên quan

Truyền thuyết nói rằng Kinh Dịch bắt đầu ra đời từ vua Phục Hy, lúc ấy Hoàng Hà có con long mã hiện hình lưng nó có khoáy thành đám, từ một đến chín, vua Phục Hy nhìn những khoáy đó, mà hiểu được sự biến hóa của vũ trụ, rồi từ đó vạch ra các nét.

Đầu tiên vạch một nét liền (tức là vạch lẻ), để làm phù hiệu (tượng trưng) cho khí Dương, và một nét đứt (tức là vạch chẵn), để tượng trưng cho khí Âm. Hai vạch đó gọi là Lưỡng Nghi. Trên mỗi vạch Nghi thêm một nét nữa thành bốn phần hai vạch, gọi là Tứ Tượng. Trên mỗi Tượng lại vạch thêm một vạch nữa, thành ra tám phần ba vạch, gọi là tám Quẻ (tức là quẻ đơn). Sau cùng Phục Hy lại đem quẻ nọ chồng lên quẻ kia, thành ra sáu mươi tư phần sáu vạch, gọi là sáu mươi tư Quẻ (tức là quẻ kép). Từ thời Phục Hy đến cuối nhà Thương Kinh Dịch vẫn chỉ là những vạch liền, vạch đứt, chưa có tên hiệu chữ nghĩa gì cả.

Sang tới đầu nhà Chu, Chu Vũ Vương mới đem những Quẻ của Phục Hy mà đặt từng tên và diễn thêm lời ở dưới mỗi quẻ để nói về sự lành dữ của cả quẻ, như chữ nguyên hanh lợi tẫn mã chi trinh ở quẻ Khôn v.v… Lời đó gọi là Lời Quẻ (quái từ), hay lời thoán (thoán từ).

Rồi sau đó Chu Công tức Cơ Đán (con trai thứ Văn Vương), lại theo số vạch của các quẻ mà chia mỗi quẻ ra làm sáu phần, mỗi phần gọi là một Hào, và dưới mỗi hào đều có thêm một hoặc vài câu, để nói về sự lành dữ của từng hào, như câu Sơ Cửu: tiềm long vật dụng hay câu Cửu Nhị: hiện long tại điền trong quẻ Kiền và câu Sơ Lục lý sương kiên băng chí hay câu Lục Tam: Hàm chương khả trinh trong quẻ Khôn… Lời đó gọi là lời hào (Hào từ) vì phần nhiều nó căn cứ vào hình tượng của các hào, cho nên nó còn gọi là (Lời tượng).

Tiếp đến Khổng Tử lại soạn ra sáu phần giải nghĩa cho Kinh Dịch gồm: Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái, Tạp quái. Thoán truyện có hai thiên: Thượng Thoán và Hạ Thoán; Tượng truyện có hai thiên: Thượng và Hạ Tượng; Hệ từ cũng có hai thiên: Thượng Hệ và Hạ Hệ; tất cả mười thiên, thường gọi là Thập dực.

Từ chính những diễn giải của Phục Hy và đời sau ứng với 64 quẻ mà ta có thể dựa vào đó mà đưa ra những chiêm bốc về các hiện tượng quan sát được hoặc do gieo quẻ. Cũng từ việc diễn giải Kinh Dịch và ứng dụng mà một số trường phái đã được ra đời trong đó gồm:

Tử vi hay tử vi đẩu số: là một hình thức bói toán vận mệnh con người được xây dựng trên cơ sở triết lý Kinh Dịch bằng cách lập lá số tử vi với Thiên bàn, địa bàn và các cung sao; căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính để lý giải những diễn biến xảy ra trong đời người.
Tử vi là tên một loài hoa màu tím. Từ ngàn xưa Khoa Chiêm tinh Tướng mệnh Đông phương thường dùng loại hoa màu tím này để chiêm bốc. Ngoài ra Tử là Tím, còn Vi là Huyền Diệu. Cũng có người cho rằng tên gọi được lấy từ sao Tử Vi, một ngôi sao quan trọng nhất trong môn bói toán này.

Khổng Minh thần toán: Phương pháp bói này có xứng với tên của vị quân sư lỗi lạc của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Việc xin quẻ ứng với việc gieo 8 đồng tiền, 8 đồng đó chỉ có một đồng được đánh dấu, rồi gieo lần lượt từng đồng một trong bàn tay. Thứ tự của đồng được đánh dấu là tên quẻ. Tiếp tục như vậy để tìm được quẻ hợp. Lần cuối cùng là gieo 6 đồng tiền ứng với việc tìm số thứ tự quẻ

Bát tự Hà Lạc (Tám chữ Hà Lạc) là một hình thức bói toán bằng cách lập quẻ Tiên thiên với hào nguyên đường và quẻ Hậu thiên; căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính. Việc xem bói Bát tự có thể dùng trong xem hậu vận, đặt tên, cưới xin. Bát tự ngày nay được sử dụng nhiều trong việc lấy lá số tử vi.

Mai hoa dịch số: Là việc xem các hiện tượng, sự vật mà từ đó quy ra thành các quẻ Tiên Thiên. Tương truyền bộ kỳ thư “Mai Hoa Dịch” tác giả là ngài Thiệu Khang Tiết. Ngài đặt tên “Mai Hoa” cho bộ sách dự đoán theo phương pháp dịch Tượng Số. Tương truyền vào một buổi chiều ngài Thiệu đang thưởng thức Hoa Mai, tình cờ thấy hai con chim sẻ tranh nhau một cành cây, rồi cùng nhào xuống đất. Họ Thiệu thấy lạ, liền độn một quẻ được quẻ Trạch Hỏa Cách có hào sơ biến thành quẻ Trạch Sơn Hàm. Và đoán chiều mai sẽ có một cô gái đến đây hái hoa rồi bị thương nơi bắp vế, quả thật hôm sau có sự như vậy.

Tam thức gồm Thái Ất, Lục Nhâm và Độn Giáp:
Thái Ất dựa vào việc chiêm tinh ứng với ngày, tháng, năm, giờ âm lịch mà tạo quẻ. Thái Ất tức là Thái Nhất, tên gọi khác của Thần Bắc cực.

Trong tam thức, Thái Ất thiên về Thiên, nó nghiên cứu sự chuyển động của các tinh tú ảnh hưởng đến Trái Đất, đến con người. Theo một số sách bói kinh điển, Thái Ất là tôn thần của thiên đế, ở trước sao Bắc thần, chủ sai khiến 16 thần. Sao Thái Ất chủ về dự đoán gió mưa, hạn hán lụt lội, chiến tranh đói rét bệnh tật, xem tình hình trong nước, sao Thái Ất chủ sự hưng vong, lịch số dài ngắn.

Ðộn Giáp là môn tính toán căn cứ vào sự tiêu trưởng của âm dương để đặt ra những nguyên tắc và định lý quyết đoán sự diễn tiến cát hung của sự vật .
Trong tam thức, nếu như Thái Ất thiên về Thiên, nó nghiên cứu sự chuyển động của các tinh tú ảnh hưởng đến Trái Đất thì Ðộn Giáp lại thiên về Ðịa, nó chủ yếu nghiên cứu ảnh hưởng của địa lý, phong thủy đối với con người. Đến nay độn giáp được biết đến nhiều hơn với dưới cái tên phong thủy địa trạch.

Lục nhâm là cách bấm độn để xem ngày giờ mình chọn là tốt hay xấu, hợp hoặc không hợp.Nguồn: Wikipedia.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x